Vấn đề hài hòa lợi ích tổng thể và lợi ích ngành, địa phương một lần nữa lại là chủ đề "nóng" tại Hội thảo lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội về dự án Luật Quy hoạch do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây.
Đánh giá về thực trạng quy hoạch hiện nay, PGS. TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, cách làm quy hoạch của ta quá lỗi thời theo kiểu “chia bánh, giành phần”. Với cách thức này, hệ quả tất yếu là tiếp tục tạo ra những đề án quy hoạch kiến trúc “cọc cạch”, ảnh hưởng và làm giảm sút hiệu quả lợi ích tổng thể quốc gia nói chung.
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ nêu ví dụ, từng có thời điểm Quốc hội thảo luận nảy lửa về việc cần giữ mấy triệu héc-ta đất lúa, trong khi điều cần phải xem xét hơn diện tích là số đất lúa đó nằm ở đâu. “Điều này cho thấy phương pháp luận về quy hoạch sử dụng đất của ta vẫn đang theo tổng diện tích và đây là một kiểu quy hoạch trên mây”, ông Võ nói.
Cũng theo ông Võ, việc quy hoạch theo tổng thể diện tích từng loại đất chỉ mang tính hình thức, gây tốn kém và không có hiệu quả. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại tình trạng quy hoạch sử dụng đất dựa trên nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, mà không dựa trên nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp. Điều này cho thấy quy hoạch thiếu hẳn đi tính tổng thể, rơi vào trạng thái chạy theo yêu cầu sử dụng đất cục bộ của các ngành, lĩnh vực.
Để khắc phục tình trạng cục bộ, cát cứ này, PGS.TS Trần Trọng Hanh khẳng định, xu hướng quy hoạch tích hợp hiện nay được hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới áp dụng.
“Các cấp lãnh thổ chỉ nên có một bản quy hoạch tổng thể làm cơ sở, các tổ chức, cá nhân tham gia chế tạo nó phải tuân thủ bản thiết kế tổng có đủ các tố chất để đảm bảo thống nhất lợi ích tổng thể quốc gia là trên hết”, ông Hanh nhấn mạnh.
Theo ông Hanh, đối với quy hoạch sản phẩm cần tiếp cận theo hướng tích hợp, đa ngành với sản phẩm quy hoạch là “mẫu số chung”. Dựa vào đó, các ngành trung ương, địa phương triển khai lập kế hoạch, chương trình, đề án phát triển của ngành mình.
Trong quá trình tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh và thực hiện, các cơ quan, ngành lĩnh vực, địa phương và cá nhân phải tôn trọng các nguyên tắc của quy hoạch hiện đại, trong đó có tính thương thảo, điều phối, tính tham gia, tính tổng hợp và tính bền vững.
Với mô hình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan điều phối tổng hợp, còn các bộ ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm về chất lượng, nội dung quy hoạch do ngành, địa phương phụ trách để đảm bảo tính tổng thể, hài hòa và lợi ích tổng thể, bền vững của quốc gia.
Trên cơ sở phân tích này, ông Hanh cho rằng, còn một số vấn đề cần phải được làm rõ để khi Luật Quy hoạch được thông qua có thể đạt được hiệu quả và khả thi nhất. Theo đó, định nghĩa quy hoạch theo hướng tiếp cận của Dự thảo mang tính tích hợp, liên ngành và được lập trên phạm vi lãnh thổ ba cấp là quốc gia, vùng và tỉnh nên định nghĩa cần được làm chính xác nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững do Nhà nước đặt ra ở thời kỳ xác định.
Trong khi đó, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật Quy hoạch đã thể hiện đầy đủ vai trò của một luật khung đang rất cần cho việc phát triển lĩnh vực quy hoạch, mà việc ban hành sẽ khắc phục tình trạng rối rắm, chồng chéo, cục bộ, tốn kém chi phí, nhưng hiệu quả thấp trong các hoạt động quy hoạch hiện nay.
Tuy nhiên, ông Liêm cũng đề xuất cần đưa các quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia vào chương trình lập quy hoạch. Đồng thời, nên gọi hệ thống quy hoạch là hệ thống quốc gia để làm nổi bật vai trò quan trọng của nó và vai trò của Quốc hội đối với lĩnh vực quy hoạch, theo đúng thông lệ quốc tế.
"Các cấp lãnh thổ chỉ nên có một bản quy hoạch tổng thể làm cơ sở, các tổ chức, cá nhân tham gia chế tạo nó phải tuân thủ bản thiết kế tổng có đủ các tố chất để đảm bảo thống nhất lợi ích tổng thể quốc gia là trên hết"
PGS. TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.